- Rút ngắn quy trình thực hiện dự án bất động sản: Khả thi đến đâu?
- Ngày 27.6 tại TPHCM, Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản TPHCM đã phối hợp tổ chức hội thảo "Hoàn thiện cơ chế chính sách và cải tiến thủ tục hành chính đối với các dự án kinh doanh bất động sản".
Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, đối với một dự án trước đây phải trải qua 33 bước, kéo dài 3 năm nay, rút ngắn còn 8 bước và thời gian thực hiện chỉ còn 1 năm. Mặc dù đánh giá cao nỗ lực của Bộ Xây dựng, nhưng hầu hết các DN đều nghi ngờ tính khả thi của đề xuất này.
Liệu có khả thi?
Theo ông Chu Văn Chung - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Xây dựng - quy trình mới để thực hiện một dự án nhà ở chỉ còn 8 thủ tục: Cung cấp thông tin về quy hoạch; giao cho nhà đầu tư lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/2.000; giao chủ đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 của dự án; lập thẩm định phê duyệt dự án; giao đất cho thuê đất; bồi thường giải phóng mặt bằng và thủ tục cuối cùng thiết kế khởi công, động thổ.
Cũng theo ông Chu Văn Chung, quy trình mới được lập trên cơ sở bỏ 7 thủ tục quy định trước đây, bao gồm xác định giới đất không có tranh chấp, khiếu kiện...; đồng thời cải tiến quy trình nhập 8 thủ tục. Chẳng hạn, 2 thủ tục giới thiệu địa điểm dự án và xác định chỉ giới đường đỏ và các số liệu hạ tầng kỹ thuật sẽ được nhập thành thủ tục cung cấp thông tin về quy hoạch. Bởi theo quy định, chính quyền phải công bố công khai thông tin quy hoạch.
Trên thực tế, thay cho việc công bố thông tin quy hoạch, các cơ quan chức năng lại giấu để bán kiếm tiền. 6 thủ tục gồm: Phê duyệt đánh giá tác động môi trường, các thỏa thuận chuyên ngành, cấp điện, cấp nước; các thủ tục về chiều cao tĩnh không; thủ tục phòng cháy chữa cháy; thỏa thuận kiến trúc; thẩm định thiết kế cơ sở sẽ được nhập chung thành thủ tục thẩm định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500. Cũng theo ông Chung, quy trình này chỉ kéo dài 1 năm thay cho 3 năm như quy trình cũ.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM - đánh giá: "Đây là một luồng gió mới". Tuy nhiên, hơn chục ý kiến phản biện tại hội thảo đều cho một mẫu số chung, đó là tính khả thi của quy trình này đến đâu. Bởi chi phối quy trình thủ tục thực hiện một dự án nhà ở hiện nay, ngoài Bộ Xây dựng, còn có hàng loạt các bộ khác. Liệu với một nỗ lực cá nhân của Bộ Xây dựng, có làm thay đổi được một vấn đề trì trệ kéo dài?
Khả thi đến đâu?
Ông Nguyễn Văn Đực - Giám đốc Cty Đất Lành - mở đầu cho phần phát biểu của mình bằng một "khẩu hiệu": Quá khứ - bất tận thủ tục; tương lai - lập mới quy trình; tương lai - bất ổn thị trường. Để minh chứng cho những thủ tục hành chính trong quá khứ là bất tận, ông Đực cho biết: "Cty Thành Thủy xin thẩm tra quy hoạch một dự án trên địa bàn quận 8, Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố ngâm hồ sơ 3 năm 5 tháng 21 ngày. Nguyên nhân chỉ vì một trưởng phòng thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc gây khó khăn. Cuối cùng, ông này bị chuyển công tác quy hoạch mới được thẩm định".
Cũng theo ông Đực: "Quy trình thực hiện dự án mới nên thực hiện theo hướng mở mà kín còn hơn hiện tại kín mà hở. Bằng chứng chính là việc mặc dù quy trình nhiêu khê, nhưng vẫn có hàng chục công trình vi phạm xây dựng về chiều cao, chiều sâu (tầng hầm)".
Đối với thì tương lai, ông Đực cho rằng, hiện nay lèo lái con thuyền thị trường bất động sản là 4 bộ, ngành: Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Thị trường chao đảo chứng tỏ trình độ lèo lái. Ông Đực kiến nghị, cần phải có một cơ chế quản lý 4 bộ, ngành này để thống nhất chính sách.
Nhận định về quy trình mới, ông Đặng Hoàng Vũ - Giám đốc Cty Thanh Bình - nhận định: "Đây là một bước cải cách trong tư tưởng. Nếu không có cơ chế tự động hóa trong quy trình thực hiện 8 bước của một dự án, chắc chắn quy trình mới này sẽ bất khả thi, nếu không có giải pháp sẽ không làm được. Thực tế, hiện nay vẫn chưa có một cán bộ công chức nào bị xử lý vì "ngâm" hồ sơ. Càng chậm, càng chắc, 60% số nguyên nhân chậm là do thủ tục hành chính".
Ông Mai Trung Hưng - Sở Xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu - cho biết: "Bộ Quốc phòng có quy định đối với những công trình xây dựng cao trên 45m (khoảng 12 tầng trở lên) trên địa bàn tỉnh, DN ra Hà Nội lấy ý của Bộ Quốc phòng. Quy định này làm DN tốn thời gian, bất tiện vô cùng"Trao đổi với báo chí bên lề hành lang hội thảo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho rằng, trong nguyên nhân làm chậm trễ, kéo dài thủ tục thực hiện các dự án 60% là do cơ chế thủ tục. Trong đó, chiếm 30% lỗi là do bộ máy công quyền. Còn lại 40% là do lỗi của các doanh nghiệp.
Nguồn: http://www.laodong.com.vn
- Góp ý dự thảo Luật qui hoạch đô thị: Không đồng ý \"chế\" thêm nhiều thủ tục
- Người nước ngoài mua bán nhà tại VN: Thủ tục như công dân trong nước
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành mẫu Hồ sơ mời thầu áp dụng cho gói thầu xây lắp
- Hướng dẫn đánh giá, công nhận Khu đô thị mới kiểu mẫu
- Xây cầu mới trong vòng hai tuần
- Thống nhất tiêu chí giá đất để bất động sản phát triển bền vững
- Một số kết quả sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của Bộ Xây dựng trong 05 tháng đầu năm 2008
- Ban hành Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư
- Đối thoại trực tuyến của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân về chủ đề \"Thị trường bất động sản - Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững”.
- Bộ trưởng Bộ Xây dựng đối thoại trực tuyến về thị trường bất động sản: Sẽ làm rõ những vấn đề nóng